Hỗ trợ trực tuyến
Hotline: 0567501111
Luật sư Điền Bảo Trân 0567 50 1111
luatdatdien@gmail.com
Liên kết Website
Thống kê truy cập
  • Đang Online: 36
  • Trong tuần: 671
  • Trong tháng: 4731
  • Tổng lượt truy cập: 984631

Chi tiết bài viết

  • QUY ĐỊNH VỀ LỘ GIỚI PHÂN LÔ

  • Lượt xem: 1652

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 88/2007/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 07 năm 2007 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ LỘ GIỚI VÀ QUẢN LÝ ĐƯỜNG HẺM TRONG CÁC KHU DÂN CƯ HIỆN HỮU THUỘC ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ 

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp;
Căn cứ Quyết định số 682/BXD-CSXD ngày 14 tháng 12 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn xây dựng Việt Nam; 
Căn cứ Thông tư số 15/2005/TT-BXD ngày 13 tháng 10 năm 2005 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch - xây dựng;
Căn cứ vào Tiêu chuẩn, quy phạm: Quy hoạch xây dựng đô thị - Tiêu chuẩn thiết kế TCVN-4449: 1987, quy phạm kỹ thuật thiết kế đường phố, đường quảng trường đô thị 20 TCN 104 - 83;
Xét đề nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc tại Công văn số 2215/SQHKT-QHC&HT ngày 20 tháng 6 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về lộ giới và quản lý đường hẻm trong các khu dân cư hiện hữu thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2.  Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Quyết định này thay thế Văn bản số 5546/UB-QLĐT ngày 23 tháng 11 năm 1994 của Ủy ban nhân dân thành phố và thay thế điểm 4 và điểm 5 của Văn bản số 3665/UB-QLĐT ngày 27 tháng 9 năm 1997 của Ủy ban nhân dân thành phố.

 Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở - ban - ngành thành phố, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã - thị trấn, Thủ trưởng các đơn vị và các cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 
Nơi nhận:
- Như Điều 3;        
-  Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
-  Đoàn Đại biểu Quốc hội TP;
-  Thường trực Thành ủy; 
-  Thường trực HĐND. TP;
-  TTUB: CT, các PCT;
-  Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP;
-  Báo, Đài thành phố;
-  VPHĐ-UB: Các PVP;
-  Các Phòng Chuyên viên;
- Lưu:VT, (ĐTMT-Tu)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
 
  


Nguyễn Hữu Tín

 

 

 

 

 

QUY ĐỊNH

VỀ LỘ GIỚI VÀ QUẢN LÝ ĐƯỜNG HẺM TRONG CÁC KHU DÂN CƯ HIỆN HỮU THUỘC ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ 
(Ban hành kèm theo Quyết định số 88 /2007/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 Điều 1. Nguyên tắc chung

1. Việc quy định lộ giới đường hẻm trong các khu dân cư hiện hữu phải căn cứ trên nhu cầu giao thông, thoát hiểm, phòng chống cháy nổ, bố trí các tuyến cấp điện, cấp nước, thoát nước, đường dây thông tin, yêu cầu về ánh sáng, thông thoáng và vệ sinh môi trường của khu ở.

2. Việc quy định lộ giới đường hẻm nhằm mục đích cải thiện điều kiện sống ở các khu dân cư chưa có điều kiện quy hoạch cải tạo cơ bản để đáp ứng yêu cầu về môi trường sống đô thị. Ở những nơi đã có quy hoạch chi tiết cải tạo khu dân cư hoặc đã có dự án cải tạo nâng cấp đô thị thì phải tuân thủ theo quy hoạch chi tiết được cấp thẩm quyền phê duyệt.

3. Quy định lộ giới đường hẻm trước mắt phục vụ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở - nhà ở, công tác giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng nhà ở và các công trình trong hẻm. Mặt bằng lộ giới các đường hẻm phải được định vị rõ ràng trên bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng lộ giới đường hẻm tỷ lệ 1/200, hoặc 1/500 hoặc 1/1000 (tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương để quyết định tỷ lệ bản đồ cho phù hợp) để phục vụ quản lý xây dựng của cấp thẩm quyền. Khi có điều kiện về kinh phí, trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng làm sẽ kiến thiết đường hẻm theo lộ giới được quy định với các tiêu chuẩn cao hơn, phù hợp với yêu cầu phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị của thành phố.

Điều 2. Định nghĩa và phân loại đường hẻm

1. Đường hẻm là các tuyến đường phục vụ giao thông nội bộ khu vực và có lộ giới nhỏ hơn 12m.

2. Trong khu dân cư hiện hữu có các loại đường hẻm như sau:

a) Hẻm chính: là đường hẻm được nối thông vào đường phố (loại đường khu vực có lộ giới lớn hơn 12m) và các hẻm nhánh hoặc hẻm cụt khác.

b) Hẻm nhánh: là đường hẻm được nối vào đường phố hoặc hẻm chính, hoặc có liên thông với hẻm khác.

c) Hẻm cụt: là đường hẻm chỉ nối một đầu vào đường hẻm khác hoặc đường phố.

d) Lối đi chung: là đường hẻm cụt phục vụ giao thông nội bộ cho một số căn hộ, được hình thành khi phân tách lô đất.

Điều 3. Đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng

 1. Quy định về các chỉ tiêu quy hoạch - xây dựng lộ giới đường hẻm; về lập, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch chi tiết xây dựng lộ giới đường hẻm trong các khu dân cư hiện hữu trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

2. Quy định này không áp dụng đối với các đường hẻm thuộc một trong các trường hợp sau: 

a) Khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị 1/500 đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

b) Khu vực đã thực hiện dự án nâng cấp đô thị và đã thực hiện việc vận động người dân hiến đất xây dựng mở rộng hẻm, đồng thời chiều rộng đường hẻm đảm bảo quy định tại Điều 4 của Quyết định này.

Chương 2:

CÁC CHỈ TIÊU QUY HOẠCH XÂY DỰNG LỘ GIỚI HẺM

Điều 4. Quy định lộ giới cho các loại đường hẻm

 1. Lộ giới áp dụng cho hẻm chính: tối thiểu là 6m. Trong trường hợp đặc biệt: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện được quyền xem xét, quyết định lộ giới áp dụng cho hẻm chính nhỏ hơn quy định trên nhưng không nhỏ hơn 4,5m. 

2. Lộ giới áp dụng cho hẻm nhánh và hẻm cụt: theo bảng 4-1 dưới đây.

Bảng 4-1

 

STT

Chiều dài hẻm

Lộ giới tối thiểu

Ghi chú

01

Nhỏ hơn 25m

3,5m

Khi không có trụ điện

02

25m - 50m

4,0m

03

50m - 100m

4,5m

04

100m - 200m

5,0m

 

05

Lớn hơn 200m

6,0m

 

3. Chiều rộng lối đi chung được chọn cho phép nhỏ hơn 3,5m, nhưng không nhỏ hơn 2m, trên cơ sở ý kiến đồng thuận của các hộ dân.

4. Ở những nơi có mật độ dân cư sống hai bên hẻm quá cao (trên 300 người/ha) hoặc dọc theo hẻm có trụ điện cần tăng thêm 0,5m cho lộ giới quy định đối với các hẻm có lộ giới tối thiểu từ 3,5 - 4,5m trong bảng 4-1 trên đây.

5. Đối với các quận, huyện ven (trừ các quận nội thành cũ gồm quận 1,            quận 3, quận 4, quận 5, quận 6, quận 8, quận 10 và quận 11, quận Bình Thạnh, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận) cho phép điều chỉnh quy định chiều rộng lộ giới tối thiểu cao hơn quy định (tại bảng 4-1 trên) từ 0,5 - 1m và phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Điều 5. Các quy định về quy hoạch - kiến trúc.

1. Trong trường hợp hẻm cụt dài quá 150m, không có điều kiện thông hẻm và có đủ điều kiện về quỹ đất hoặc được kết hợp với dự án xây dựng mới dọc hẻm thì ưu tiên bố trí chỗ quay đầu xe với kích thước phù hợp theo tiêu chuẩn quy phạm như:

- Có hình tam giác đều cạnh không nhỏ hơn 7m.

- Hoặc có hình vuông cạnh không nhỏ hơn 12m.

- Hoặc có hình tròn đường kính không nhỏ hơn 10m.

Trong trường hợp khu dân cư ổn định và không có đủ điều kiện quỹ đất để thực hiện theo phương án như trên thì nghiên cứu bố trí thêm hẻm cụt phụ ở dọc hẻm hoặc ở cuối hẻm tạo thành ngã ba ở cuối hẻm có lộ giới lớn hơn 3,5m và có vạt góc theo bán kính 5m để quay đầu xe.

2. Đối với các hẻm nhánh nối hai đầu với hẻm chính có chiều dài từ 50m trở xuống có lưu lượng giao thông không đáng kể và hiện trạng có các căn nhà ở đầu hẻm xây dựng kiên cố đã có giấy phép xây dựng nằm dọc theo đường hẻm thì cho phép xác định lộ giới như lối đi chung (rộng tối thiểu 2m) với ý kiến đồng thuận của các hộ dân trong khu vực hẻm trên.

3. Không bố trí xây dựng đường dây cao thế, trung thế đi nổi dọc theo đường hẻm. Khi bố trí đường dây hạ thế nổi thì không sử dụng dây trần. Trong trường hợp vì điều kiện kỹ thuật và kinh tế không thể xây dựng mới tuyến điện theo phương án ngầm được thì ngành điện phải có biện pháp đảm bảo an toàn theo quy định và phù hợp theo Điều 4.8 - hành lang bảo vệ lưới điện theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam đã ban hành theo Quyết định số 682/BXD-CSXD ngày 14 tháng 12 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và theo Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp.

4. Khi thực hiện cải tạo nâng cấp hẻm, hệ thống đường dây điện thoại, cáp quang cần ưu tiên đặt ngầm để tạo không gian thông thoáng cho hẻm đối với hẻm có lộ giới tối thiểu 10m. Trường hợp tại những khu vực chưa đủ điều kiện về kỹ thuật và kinh phí xây dựng thì cho phép tiến hành từng bước việc ngầm hóa.

5. Tại giao lộ giữa các đường hẻm có lộ giới lớn hơn 4m, giữa hẻm chính với đường phố phải thực hiện vạt góc theo quy định (bằng 50% so với quy định cho đường phố theo Quy chuẩn xây dựng đã ban hành). Không vạt góc đối với các hẻm có lộ giới từ 4m trở xuống với các đường hẻm khác và công trình xây dựng cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới phải bo tròn cạnh ở tầng trệt và ở lầu trên với bán kính R = 1m để giảm mức độ ảnh hưởng đến lưu thông.

Điều 6. Các quy định về xây dựng

1. Việc xây dựng tầng hầm để xe ô tô chỉ áp dụng khi:

a) Công trình xây dựng có khoảng không gian rộng tối thiểu 3m (kể từ ranh lộ giới hẻm đến ranh đường dẫn xuống hầm) để đảm bảo việc xe ô tô lên xuống hầm không ảnh hưởng đến việc lưu thông trên đường hẻm.

b) Lộ giới đường hẻm lớn hơn 6m.

2. Trường hợp cần thiết cho phép đường hẻm đi qua tầng trệt của nhà mặt tiền trên đường chính (không áp dụng đối với các quận, huyện ven nêu tại mục 4, Điều 4 của Quy định này), phải đảm bảo quy định như sau:

a) Bề rộng đường hẻm không nhỏ hơn 3,5m;

b) Chiều cao thông thủy không nhỏ hơn 4,25m.

Trường hợp này chỉ giải quyết cho giai đoạn trước mắt khi chưa có điều kiện mở đường hẻm khác và cần có ý kiến đồng thuận của chủ sở hữu khu đất.

3. Các yêu cầu khác về xây dựng liên quan đến sử dụng không gian đường hẻm: Áp dụng theo Điều 7.4 và Điều 7.5 - Quy chuẩn xây dựng Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số682/BXD-CSXD ngày 14 tháng 12 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Đối với nhà xây dựng sát chỉ giới đường đỏ không cho phép xây dựng cố định bậc thềm, vệt dắt xe trong phạm vi lộ giới.

4. Tại những khu dân cư đã có quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt có đường dự phóng trùng với đường hẻm hiện hữu thì việc cấp phép xây dựng phải tuân theo lộ giới quy hoạch của đường dự phóng. Trong trường hợp xét thấy quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt trước đây không khả thi thì Ủy ban nhân dân quận - huyện chủ động tổ chức nghiên cứu điều chỉnh theo quy định hiện hành.

Chương 3:

LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ CÔNG BỐ QUY HOẠCH CHI TIẾT XÂY DỰNG LỘ GIỚI ĐƯỜNG HẺM

Điều 7. Về thành phần hồ sơ quy hoạch chi tiết xây dựng lộ giới đường hẻm

1. Bản đồ hiện trạng địa chính và đường hẻm  tỷ lệ 1/200, hoặc 1/500, hoặc 1/1000 (theo điều kiện cụ thể của từng địa phương).

2. Bản đồ quy hoạch chi tiết xây dựng lộ giới đường hẻm tỷ lệ 1/200, hoặc 1/500 hoặc 1/1000 (có danh mục các tuyến đường hẻm với lý trình cụ thể).

3. Thuyết minh tổng hợp và tóm tắt quy hoạch chi tiết xây dựng lộ giới đường hẻm.

4. Đĩa CD-ROOM lưu trữ bản vẽ quy hoạch chi tiết xây dựng lộ giới đường hẻm.

5. Biên bản lấy ý kiến của người dân thông qua đại diện tổ dân phố, các đoàn thể và Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn và báo cáo tổng hợp về nội dung lấy ý kiến.

Điều 8. Về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng lộ giới đường hẻm

1. Ủy ban nhân dân quận - huyện phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế quy hoạch có chức năng để lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng lộ giới đường hẻm phục vụ quản lý xây dựng.

2. Việc lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng lộ giới đường hẻm được tiến hành tại các khu dân cư hiện hữu được xác định trong các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt.

3. Thời gian phê duyệt tại Ủy ban nhân dân quận - huyện là 30 ngày làm việc sau khi có ý kiến thẩm định của cơ quan quản lý xây dựng cấp quận - huyện và nhận đủ hồ sơ theo Điều 7 Quy định này.

4. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân quận - huyện có văn bản gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc có ý kiến tham vấn trước khi quyết định. Thời gian Sở Quy hoạch - Kiến trúc có ý kiến trả lời là 10 ngày làm việc.

Điều 9. Về lấy ý kiến về quy hoạch chi tiết xây dựng lộ giới đường hẻm

Việc lấy ý kiến về của nhân dân về quy hoạch chi tiết xây dựng lộ giới đường hẻm áp dụng theo Luật Xây dựng, Điều 25 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ và Mục III Thông tư số 15/2005/TT-BXD ngày 19 tháng 8 năm 2005 của Bộ Xây dựng đã ban hành.

Điều 10. Công bố quy hoạch chi tiết xây dựng và cắm mốc lộ giới đường hẻm

1. Ủy ban nhân dân quận - huyện có trách nhiệm công bố quy hoạch chi tiết xây dựng lộ giới đường hẻm được duyệt thuộc địa giới hành chính do mình quản lý để mọi người thực hiện và giám sát việc thực hiện.

2. Hình thức công bố, công khai quy hoạch chi tiết xây dựng lộ giới đường hẻm được áp dụng theo Điều 39 Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng.

3. Ủy ban nhân dân quận - huyện chủ động tổ chức cắm mốc tim quy hoạch chi tiết xây dựng lộ giới đường hẻm kết hợp trên bản đồ tỷ lệ 1/200, hoặc 1/500, hoặc 1/1000 để quản lý với ngoài thực địa thuộc phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý, theo nguyên tắc xác định thứ tự ưu tiên phù hợp yêu cầu quản lý quy hoạch xây dựng tại địa phương, trên cơ sở có đủ bản đồ địa chính do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp.

4. Nguyên tắc chung xác định lộ giới hẻm là lấy tim đường hiện hữu mở rộng đều hai bên và tùy theo tình hình hiện trạng sẽ nghiên cứu, xác định lựa chọn tim đường hẻm hợp lý nhất để quản lý. Đối với các đường hẻm khúc khuỷu gây trở ngại cho giao thông, khi xác định lộ giới cần thiết kế việc nắn hẻm. 

5. Ủy ban nhân dân quận - huyện có trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận, xử lý và cung cấp các thông tin về quy hoạch chi tiết xây dựng lộ giới đường hẻm khi có yêu cầu.

Chương 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 Điều 11. Về nguyên tắc tự quản

1. Đối với lối đi chung khi xác định lộ giới và cải tạo chỉnh trang đường hẻm sẽ do các hộ dân trong khu ở tự quyết định nhưng không trái với mức tối thiểu quy định tại khoản 3 Điều 4 của Quy định này. Nhà nước khuyến khích mở rộng các lối đi chung để đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy, thoát hiểm và môi trường thông thoáng cho khu ở.

2. Trong trường hợp lối đi chung và hẻm cụt không đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, Ủy ban nhân dân quận - huyện cần chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ cộng đồng dân cư trong hẻm thực hiện việc hiến đất để mở rộng và chỉnh trang hẻm để đạt các tiêu chuẩn quy định.

3. Ủy ban nhân dân quận - huyện xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức lập dự án cải tạo các đường hẻm chưa đạt yêu cầu theo bản Quy định này trên tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trường hợp đã có ý kiến thống nhất của người dân trong khu vực về hướng đầu tư nâng cấp cải tạo đường hẻm thì ưu tiên triển khai thực hiện. Về nguyên tắc kinh phí đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị trong khu ở (mở rộng các đường hẻm, cống rãnh thoát nước, tuyến cấp nước…) trên cơ sở xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Điều 12. Phân công trách nhiệm

1. Ủy ban nhân dân quận - huyện:

a) Khi khoảng cách giữa các đường phố (có lộ giới lớn hơn 12m) vượt quá 180m, thì trong quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt theo phân cấp cần nghiên cứu phương án mở thêm đường phố hoặc đường hẻm có tính khả thi để tăng cường giao thông khu vực.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện tổ chức rà soát lại lộ giới các đường hẻm đã được phê duyệt trước đây nhưng không khả thi và căn cứ các quy định được ban hành theo Quyết định này để xem xét, điều chỉnh và phê duyệt lại, đồng thời tổ chức nâng cấp cải tạo các đường hẻm không đảm bảo yêu cầu đi lại và phòng cháy chữa cháy trên địa bàn.

 c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện có trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện việc kết hợp tổ chức cắm mốc tim quy hoạch chi tiết xây dựng lộ giới đường hẻm trên bản đồ tỷ lệ 1/200, hoặc 1/500, hoặc 1/1000 để quản lý với ngoài thực địa để phục vụ công tác quản lý xây dựng công trình trên tuyến đường hẻm. Trong trường hợp cần thiết thì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để giải quyết.

d) Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường - xã - thị trấn có trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất và xây dựng công trình trong phạm vi lộ giới các đường hẻm được duyệt hoặc đã được cải tạo, nâng cấp thuộc địa giới hành chính do mình quản lý.

đ) Ủy ban nhân dân quận - huyện phối hợp với Sở Tài chính, Sở Quy hoạch - Kiến trúc để xác định và phê duyệt kinh phí thiết kế, thẩm định đối với hồ sơ quy hoạch chi tiết xây dựng lộ giới hẻm phù hợp theo Quyết định số 06/2005/QĐ-BXD ngày 03 tháng 02 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành định mức chi phí quy hoạch xây dựng.

2. Sở Quy hoạch - Kiến trúc:

a) Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm phối hợp với Sở Giao thông - Công chính, Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các quận - huyện rà soát lại tuyến và lộ giới các đường dự phóng (có lộ giới lớn hơn 12m) trong các khu dân cư hiện hữu đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt trước đây nhưng hiện nay không còn phù hợp, để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt điều chỉnh.

b) Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra tổng hợp những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện Quy định này, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định.

3. Sở Giao thông - Công chính phối hợp với Sở Tài chính đối với các dự án liên quan đến địa giới hành chính từ 2 quận, huyện trở lên và với Ủy ban nhân dân quận - huyện đối với các dự án địa bàn từng quận, huyện để đề xuất chính sách bồi thường, hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi thực hiện dự án mở đường.

4. Sở Xây dựng phối hợp với Ủy ban nhân dân quận - huyện trong việc quản lý cấp phép xây dựng, quản lý sau cấp phép xây dựng theo đúng lộ giới đường hẻm đã được phê duyệt.

5. Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy phối hợp với Ủy ban nhân dân quận - huyện rà soát các đường hẻm chưa đảm bảo yêu cầu phòng cháy và chữa cháy để Ủy ban nhân dân quận - huyện có kế hoạch lập, phê duyệt lộ giới và tiến hành cải tạo nâng cấp kịp thời./.

 

Chat zalo Liên hệ theo Zalo Liên hệ theo SĐT
Mở Đóng