Chi tiết bài viết

  • Quốc hội thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính

  • Lượt xem: 2156

Quốc hội thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính

 TTO - Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cách đây ít phút. Theo đó, quyền chuyển đổi giới tính đã được thừa nhận.

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định “việc chuyển đổi giới tính liên quan đến những yêu cầu và điều kiện khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế và nhiều vấn đề xã hội khác”.

“Nhu cầu của một bộ phận”

“Pháp luật nước ta cần ghi nhận vấn đề này nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận trong xã hội, đồng thời cũng bảo đảm tính thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái với truyền thống, phong tục tốt đẹp của dân tộc” - báo cáo viết.

Kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 282/366 số phiếu thu được tán thành với quy định về việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật và việc thay đổi hộ tịch, các quyền nhân thân khác sau khi cá nhân chuyển đổi giới tính.

Theo đó, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Đại biểu nghỉ quá quá 3 ngày phải có đơn xin phép

Cũng với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vào sáng nay, 24-11.

Văn bản giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, “nhiều ý kiến đề nghị cần quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội cho phù hợp với đặc thù nước ta là có 2/3 đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, không nên quản lý đại biểu Quốc hội theo cách hành chính bằng việc báo cáo, xin phép khi vắng mặt”.

Ủy ban thường vụ Quốc hội báo cáo, theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể Quốc hội, họp tổ đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các phiên họp khác và thảo luận, biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

“Tuy nhiên, việc đại biểu Quốc hội vắng mặt nhiều tại hội trường trong các phiên họp là vấn đề mà các vị đại biểu Quốc hội cũng như cử tri, nhân dân cả nước không mong muốn” -  báo cáo nhấn mạnh.

Chính vì vậy, Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định: “Trường hợp không thể tham dự phiên họp, đại biểu Quốc hội báo cáo trưởng đoàn đại biểu Quốc hội hoặc tổng thư ký Quốc hội tổng hợp báo cáo chủ tịch Quốc hội”.

“Trường hợp đại biểu Quốc hội không thể dự kỳ họp Quốc hội hoặc vắng mặt từ 3 ngày làm việc liên tục trở lên tại mỗi kỳ họp thì gửi văn bản và nêu rõ lý do đến trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời gửi văn bản đến tổng thư ký Quốc hội để báo cáo chủ tịch Quốc hội quyết định”.

“Danh sách đại biểu Quốc hội không thể dự kỳ họp Quốc hội được ghi vào biên bản kỳ họp Quốc hội; danh sách các đại biểu Quốc hội vắng mặt phiên họp được ghi vào biên bản phiên họp”.

 
LÊ KIÊN
 
 
Liên kết Website
Thống kê truy cập
  • Đang Online: 35
  • Trong tuần: 22
  • Trong tháng: 1766
  • Tổng lượt truy cập: 952175
Chat zalo Liên hệ theo Zalo Liên hệ theo SĐT
Mở Đóng