Chi tiết bài viết

  • LUẬT SƯ TƯ VẤN HÌNH SỰ ZAL0: 0567 50 1111

  • Lượt xem: 1539

Quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong Hiến pháp 2013

                                                                            

 - Quyền bào chữa là một trong những quyền lợi đặc thù và cơ bản của công dân được tất cả các bản Hiến pháp của nhà nước ta thừa nhận.

Kế thừa các bản Hiến pháp trước, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ hơn về quyền bào chữa của công dân, đồng thời đặt quyền này trong chương II của Hiến pháp - chương quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Tại khoản 4, Điều 31 Hiến pháp 2013 đã quy định rất cụ thể: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”.

Với quy định này, Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng hơn quyền được sử dụng sự trợ giúp pháp lý của công dân. Không chỉ khi bị truy tố xét xử mới được tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa mà ngay từ khi bị bắt, bị tạm giữ… đã phát sinh quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

Nhằm bảo đảm nguyên tắc này được thực thi trên thực tế, Hiến pháp năm 2013 cũng đã lần đầu tiên đưa nguyên tắc tranh tụng vào hoạt động xét xử. Tại khoản 5, Điều 103 Hiến pháp quy định: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”. Có thể nói, đây là một nguyên tắc quan trọng được ghi nhận trong Hiến pháp. Chỉ có thực hiện tốt việc tranh tụng và đảm bảo cho hoạt động tranh tụng được công khai, bình đẳng thì mới đảm bảo cho nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo được thực thi trên thực tế.

Liên quan đến vấn đề này, hiện nay, các đạo luật dưới Hiến pháp đều quy định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền: “tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa”. Đặc biệt là trong những trường hợp bị can, bị cáo phạm tội mà khung hình phạt đối với tội đó có mức cao nhất là tử hình; bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì tại khoản 2, Điều 57 Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định là nếu sau khi giải thích cho bị can, người đại diện hợp pháp của họ về quyền được nhờ người bào chữa mà họ không tự nhờ người bào chữa thì cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải làm văn bản yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bào chữa hoặc yêu cầu ủy ban MTTQ, tổ chức thành viên của mặt trận cử người bào chữa cho họ.

Trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự, tại Thông tư số 70/TT-BCA của Bộ Công an về đảm bảo quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra có quy định rất cụ thể nhằm đảm bảo quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can trong vụ án hình sự đó là: “Khi giao quyết định tạm giữ cho người bị tạm giữ, quyết định khởi tố cho bị can, điều tra viên phải đọc và giải thích cho họ biết rõ về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can theo qui định tại Điều 48, 49 Bộ luật Tố tụng hình sự và lập biên bản giao nhận quyết định. Trong biên bản phải ghi rõ ý kiến của người bị tạm giữ, bị can về việc có nhờ người bào chữa hay không”.

Trong trường hợp họ có yêu cầu nhờ người bào chữa thì điều tra viên có trách nhiệm hướng dẫn họ viết giấy yêu cầu và gửi tới cơ quan, tổ chức, người được yêu cầu bào chữa. Trong trường hợp họ chưa nhờ người bào chữa, thì trong lần đầu lấy lời khai người bị tạm giữ, hỏi cung bị can, điều tra viên tiếp tục phải hỏi rõ họ có nhờ người bào chữa không và phải ghi ý kiến của họ vào biên bản.

Như vậy, quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa của một công dân đã được quy định khá đầy đủ và cụ thể trong hệ thống pháp luật của Nhà nước. Đã được xác định từ nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp cho đến những quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng hình sự và thông tư hướng dẫn.

Để đảm bảo nguyên tắc này được thực thi, cần tăng cường và nâng cao chất lượng tranh tụng trong quá trình tố tụng, thay hoạt động tố tụng xét hỏi bởi tố tụng tranh tụng. Chỉ có thực hiện tốt việc tranh tụng mới giúp cho việc giải quyết vụ án đúng pháp luật, đúng thời hạn luật định, tránh trường hợp vụ án bị trả hồ sơ điều tra lại hoặc bị hủy để xét xử lại, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo và thời gian của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Ngoài ra, cần phải nhận thức đúng nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa của Hiến pháp không chỉ là nhờ người bào chữa mà trước hết là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa cho mình. Tự bào chữa ở đây có thể là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo tự nhận tội hoặc đưa ra các căn cứ khẳng định họ không phạm tội, phạm tội nhưng mức độ nhẹ hơn hoặc phạm ở một tội khác…

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ BẢO VỆ BÀO CHỮA BỊ CAN BỊ CÁO QUẬN BÌNH TÂN: 0567 50 1111

                                                                               

Liên kết Website
Thống kê truy cập
  • Đang Online: 37
  • Trong tuần: 1160
  • Trong tháng: 2719
  • Tổng lượt truy cập: 944493
Chat zalo Liên hệ theo Zalo Liên hệ theo SĐT
Mở Đóng