Giao dịch dân sự hoàn thành dựa trên sự tự nguyện của các bên thực hiện giao dịch và đảm bảo các điều kiện về giao dịch dân sự theo quy định pháp luật. Trường hợp giao dịch dân sự được thực hiện bằng hợp đồng giả tạo thì có được xem là có hiệu lực không? Bài viết sau đây sẽ phân tích về nội dung này, giúp cho bạn đọc nắm được thông tin cần thiết.
1. Quy định về hợp đồng dân sự vô hiệu do giả tạo:
- Theo Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự là hành vi pháp lý đơn phương hoặc hợp đồng làm thay đổi, phát sinh hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
- Để một hợp đồng dân sự có hiệu lực thì phải bảo đảm điều kiện về chủ thể (hoàn toàn tự nguyện khi tham gia ký kết hợp đồng dân sự; có năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật dân sự phù hợp với giao dịch dân sự), mục đích và nội dung giao dịch đảm bảo không vi phạm điều cấm của luật, phù hợp với đạo đức xã hội; hình thức giao dịch bằng lời nói, bằng văn bản (phải có công chứng, chứng thực, đăng ký), bằng hành vi cụ thể, bằng thông điệp dữ liệu đảm bảo theo Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Như vậy, hợp đồng dân sự không đảm bảo một trong các điều kiện nêu trên thì hợp đồng dân sự đó bị vô hiệu, trừ các trường hợp khác theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Theo Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Hợp đồng dân sự vô hiệu do giả tạo là khi các chủ thể hợp đồng xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba hoặc nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác. Trong trường hợp này giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định pháp luật.
2. Hậu quả pháp lý của hợp đồng dân sự vô hiệu do giả tạo
- Theo Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hậu quả pháp lý khi giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
- Về quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên khi xác định là giao dịch dân sự vô hiệu: không làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
- Về vấn đề khôi phục lại tình trạng ban đầu: Các bên có trách nhiệm khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận khi giao dịch dân sự vô hiệu. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
- Về vấn đề lợi tức, hoa lợi: Bên ngay tình không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức trong việc thu lợi tức, hoa lợi. Như vậy, việc hoàn trả hoặc không hoàn trả số hoa lợi, lợi tức thu được phụ thuộc vào bên nhận tài sản có ngay tình hoặc không ngay tình chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật.
- Về vấn đề bồi thường thiệt hại: Khi giao dịch dân sự vô hiệu mà có thiệt hại xảy ra thì bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trong trường hợp này, khi các bên có yêu cầu giải quyết bồi thường thì Tòa án xác định thiệt hại.
- Về giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu: khi giao dịch dân sự vô hiệu có liên quan đến quyền nhân thân thì căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc luật khác có liên quan quy định.
- Như vậy, khi hợp đồng dân sự vô hiệu do giả tạo thì hậu quả pháp lý theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự năm 2015 như đã phân tích ở trên.
3. Trường hợp người thứ ba ngay tình khi hợp đồng dân sự vô hiệu do giả tạo
- Ví dụ: A cho B vay nợ với số tiền là 300 triệu đồng, để bảo đảm cho việc trả nợ thì B ký giấy vay nợ đồng ý bán căn nhà cho A. Việc mua bán chưa được thực hiện thì B bán căn nhà này cho C (Hợp đồng mua bán nhà đã công chứng). Sau khi bán nhà xong thì B không chịu trả tiền cho A. Như vậy với mục đích nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho A mà B đã thực hiện một hợp đồng mua bán khác với C, do đó, hợp đồng giữa B và C bị coi là vô hiệu do giả tạo.
- Từ ví dụ trên, việc bảo vệ người thứ ba ngay tình là A khi giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo theo Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015 về bảo vệ quyền lợi người thứ ba khi giao dịch dân sự vô hiệu quy định như sau:
- Nếu đối tượng giao dịch là tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao cho người thứ ba thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực
- Tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu là tài sản không có giấy tờ chứng minh tài sản đó thuộc quyền sở hữu của ai. Một số tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu như gia súc, gia cầm, tiền, vàng, vật dụng có giá trị đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch loại tài sản này có hiệu lực mặc dù trước khi người thứ ba tham gia vào giao dịch này đã có một giao dịch dân sự trước đó được xác lập nhưng bị vô hiệu.
- Nếu đối tượng giao dịch là tài sản đã được đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau đó chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình thì việc thực hiện giao dịch được xác lập vẫn có hiệu lực.
- Trong trường hợp, tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình bằng một giao dịch dân sự khác và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó có hiệu lực.
- Nếu đối tượng giao dịch tài sản phải đăng ký quyền sở hữu nhưng chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba không có hiệu lực. Trong trường hợp này người thứ ba muốn nhận được tài sản này thì phải thông qua bán đấu giá tài sản tại tổ chức có thẩm quyền vì theo pháp luật về đấu giá tài sản thì khi có văn bản mua được tài sản đấu giá, người mua được tài sản có quyền đăng ký sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp tài sản đó hoặc thông qua giao dịch với người mà theo quyết định, bản án của cơ quan nhà nước có thẩm là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó do bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị hủy, sửa làm cho chủ thể này không là chủ sở hữu tài sản.
- Trường hợp giao dịch dân sự có hiệu lực thì chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình.